Xuất khẩu thủy sản phải thích nghi với hàng rào kỹ thuật

Tại “Hội thảo Quy định và tiêu chuẩn quốc tế áp dụng đối với mặt hàng nông sản, thủy sản, thủ công mỹ nghệ và nội thất” do Bộ Công thương và USAID tổ chức sáng nay, các chuyên gia cho rằng, để tiếp tục duy trì tăng trưởng và nâng cao chất lượng sản phẩm, phải thay đổi theo hướng sản xuất theo hệ thống tiêu chuẩn, chứng nhận quốc tế.

"Gánh nặng" tiêu chuẩn

Ông Trần Ngọc Quân - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương) cho biết, thị trường chính của thủy sản Việt Nam hiện nay là Mỹ, châu Âu và Nhật Bản, Trung Quốc. Đây cũng là những nước đặt ra các yêu cầu khắt khe, tiêu chuẩn và chứng chỉ phức tạp khi nhập khẩu mặt hàng. Diễn biến khó lường của biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến nguồn cung xuất khẩu mà Việt Nam chịu tác động không nhỏ ở những vùng nguyên liệu như ĐBSCL.

Vì vậy, “xu hướng bảo hộ nông nghiệp thông qua việc thiết lập các hàng rào kỹ thuật và phòng vệ thương mại trở nên phổ biến là dễ hiểu. Các nước đều có sự gia tăng kiểm soát chất lượng sản phẩm nhập khẩu liên quan tới thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật và chất cấm trong chăn nuôi”.

Theo ông Đinh Xuân Lập - Phó Giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS), tôm nước lợ và cá tra là hai sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, sản lượng tăng bình quân 12,77%/năm. Tuy nhiên, thủy sản Việt Nam phải đương đầu với không ít khó khăn về cạnh tranh từ thị trường quốc tế mà hàng loạt tiêu chuẩn mới liên tục được đưa ra với mặt hàng thủy sản xuất khẩu.

Theo yêu cầu của các nhà mua hàng quốc tế, người nuôi và DN xuất khẩu thủy sản Việt Nam phải áp dụng khá nhiều các hệ thống chứng nhận: BAP (Mỹ), SELVA (Thụy Sĩ), USDA NOP (Nhật), riêng châu Âu có hàng loạt bộ chứng nhận: BIO SUISSE, FOS, ASC, Naturland...

Xu hướng phát triển các tiêu chuẩn hiện nay không chỉ về an toàn thực phẩm mà còn áp đặt cả trách nhiệm xã hội: tiền lương, phúc lợi công nhân, phòng cháy chữa cháy...

Sản xuất theo chuỗi

ASC bắt buộc truy suất nguồn gốc con giống đến bố mẹ, nguồn thức ăn bền vững được công nhận và áp dụng ASC CoC cho cả nhà máy. BAP bổ sung trách nhiệm nuôi trồng theo hướng “B to C” với tiêu chuẩn 4 sao “từ nhà máy đến bàn ăn” nhưng ít DN Việt Nam có đủ từ trại giống, nhà máy thức ăn, nuôi trồng đến chế biến. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho chất lượng thủy sản Việt Nam không đồng đều, dẫn đến giá cả bấp bênh.

Ông Lập nhận định, xu hướng tiến bộ nhất hiện nay mà các hệ thống chứng chỉ, quy định đang hướng đến là áp dụng sản xuất theo chuỗi. Các nhà mua hàng lớn: Walmart, Cosco, Metro, Smeta… đều cổ súy điều này. Tổ chức Nông lương quốc tế (FAO) cũng khuyến cáo sản xuất theo chuỗi là xu thế tất yếu để bền vững và giảm tác động xấu về môi trường, xã hội.

Hiện tại, giá thành sản xuất tôm của Việt Nam cao hơn nhiều đối thủ cạnh tranh: Ấn Độ, Ecuador, Thái Lan đến 20% do sản phẩm đầu vào quá cao, nhất là thức ăn. Chỉ có liên kết sản xuất theo chuỗi mới giúp người nuôi và DN giảm chi phí này và tăng sức cạnh tranh. Hiện một số mô hình liên kết sản xuất thủy sản theo chuỗi đã được triển khai tại Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bến Tre, Tiền Giang…

Các DN và chuyên gia cho rằng, mỗi thị trường có những tiêu chuẩn khác nhau vì nhiều nguyên nhân. Sản phẩm thủy sản đạt chuẩn EU chưa chắc đã đạt chuẩn của Mỹ và ngược lại. Ông Phạm Minh Luân - Công ty TNHH Chứng nhận KNA cho rằng: “Trong tương lai các thị trường có xu hương chấp thuận các tiêu chuẩn của nhau, vì vậy DN không thể ngồi chờ mà chủ động tuân thủ các quy định, nâng cao năng lực sản xuất và chế biến”.

Tuy nhiên, các DN thủy sản cũng kiến nghị Nhà nước cần mạnh tay xử lý các trường hợp làm ăn thiếu lành mạnh ảnh hưởng đến ngành.

Ông Thế Lãm - CEO ECP Global kiến nghị: “Nhiều DN có biểu hiện “nhát tay” ở thị trường châu Âu, sợ bị đưa vào “danh sách đen” vì rất khó được xóa. Cùng làm với nhau nhưng một số DN lại “lãnh đạn”. Nhà nước cần phân loại và ủng hộ DN làm tốt bằng hệ thống kiểm soát. Bộ Công thương và NNPT&NT cần sắp xếp lại đội hình chuỗi nguyên liệu thành các vùng chuyên tôm, cá hoặc nghêu... DN sẽ chủ động được sản xuất và nâng cao chất lượng mà Nhà nước cũng kiểm soát được mọi hoạt động”.

Có thể thấy, các “rào cản kỹ thuật” mà ngành thủy sản Việt Nam gặp phải là tất yếu trong xu hướng cạnh tranh và đề cao an toàn thực phẩm, trách nhiệm xã hội của DN. DN cần nâng cao năng lực, vị thế thương hiệu để đáp ứng.

Theo Lạc Lâm, baomoi.com

Share: 

Tin tức khác